Đông Trùng Hạ Thảo
Đông trùng hạ thảo, nấm ký sinh côn trùng, Cordyceps
(nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chính đến chất lượng thực phẩm chức năng)
Đông trùng hạ thảo (Cordyceps sinensis) là một loài nấm ký sinh trên côn trùng, từ lâu đã được sử dụng trong các bài thuốc cổ truyền của nhiều quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam. Gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy không chỉ Cordyceps sinensis mà còn nhiều loài khác trong nhóm nấm này có tiềm năng ứng dụng trong y dược rất lớn, bao gồm các chi nấm Cordyceps, Isaria, Paecilomyces… Những nghiên cứu về các hoạt chất của nhóm nấm này cho thấy chúng có khả năng chữa trị hiệu quả nhiều bệnh khác nhau, điển hình như khả năng điều hoà đáp ứng miễn dịch của C. sinensis (Kuo & cs 1996), C. cicadae (Weng & cs, 2002)... hay ức chế các tế bào khối u của C. sinensis (Bok & cs 1999), C. cicadae (Weng & cs, 2002), C. ophioglossoides (Yanada, 1984)...
Đến nay, hơn 400 loài Cordyceps đã được phát hiện và xếp vào họ Clavicipitaceae, dựa trên cấu trúc thể sinh sản, bào tử và quả thế... Định danh nấm, đặc biệt là nấm sợi từ lâu đã là một công việc đầy khó khăn (Waddington, 2009). Vì vậy, mặc dù các nhà nấm học đã nghiên cứu nhiều năm, tuy nhiên về thành phần loài chi nấm này vẫn chưa thực sự hợp lý và còn nhiều mâu thuẫn, đặc biệt khi xem xét những biến đổi di truyền ảnh hưởng bời những vùng địa lý khác nhau hay mối liện hệ giữa thể vô tính (anamorph) và thể hữu tính (teleomorph) của chúng. Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn này là do khả năng biến đổi rất cao của các loài nấm bởi ảnh hưởng của điều kiện môi trường. Trong những năm gần đây, các nghi ngờ trên đã được giải quyết hiệu quả nhờ sự đóng góp tích cực của sinh học phân tử. Với hướng tiếp cận này, trình tự ITS (internal transcribed spacer - vùng trình tự biến động cao, nằm đệm hai bên vùng mã hoá cho 5.8S rRNA) đã được sử dụng phổ biến trong những năm gần đây. Việc xác định trình tự vùng này được đề cập bởi White và cs. vào năm 1990 và đã được nhiều nhà khoa học tiến hành trên đối tượng Cordyceps từ những năm 2000 như Park & cs., 2001; Liu & cs, 2002; Chen & cs., 2004; Rehner và Buckley, 2005; Kuo & cs., 2005... thu được nhiều thành tựu.
Ở Việt Nam, hiểu biết về thành phần loài của Cordyceps còn rất hạn chế, các nghiên cứu vẫn chưa được quan tâm nhiều và gần như chưa có một bộ sưu tập hoàn chỉnh nào được công bố về chi nấm này trong nước. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm từ Cordyceps được bán trên thị trường có nguồn gốc không rõ ràng, chủ yếu được nhập từ nước ngoài. Với một chi nấm có nhiều ứng dụng rộng rãi trong y dược, việc sưu tập và phân lập các giống thuần, khai thác thông tin khoa học về các loài nấm này là một việc làm cần thiết. Khi có được những hiểu biết đầy đủ về thành phần loài, sẽ tạo điều kiện cho việc khai thác và nuôi trồng nội địa nguồn dược liệu quý này, góp phần làm giảm giá thành, hạn chế sự nhập ngoại các sản phẩm Cordyceps không rõ nguồn gốc. Hơn nữa, việc có được những thông tin khoa học đầy đủ về các loài nấm này sẽ là cơ sở cho các nghiên cứu ứng dụng Cordyceps ở Việt Nam.